Vì sao hôn nhân cần một người đàn ông tốt

 

Vì sao hôn nhân cần một người đàn ông tốt

Một người đàn ông tốt không bao giờ khiến vợ cảm thấy một mình, luôn bảo vệ và nuôi dưỡng mối quan hệ của cả hai.

Bài viết của nhà tâm lý học Triệu Lệ (Trung Quốc).

Có người nói: "Người đàn ông tốt là thứ khan hiếm trong thời đại này." Tôi không hẳn đồng ý nhưng quả thực ngày nay có nhiều đàn ông đang không có mặt trong nhiều hoạt động của gia đình.

Đàn ông không nhất thiết phải đảm đang việc nhà, cũng không cần phải thành thạo việc chăm nom em bé, chỉ cần họ biết nghĩ cho vợ và lo cho gia đình một chút thì người vợ đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Vì sao hôn nhân cần một người đàn ông tốt

Một người đàn ông tốt quyết định "nhiệt độ" tình cảm vợ chồng

Tôi có người bạn vừa sinh con thứ hai. Cô nói rằng mình đã sai lầm khi sinh thêm đứa con nữa. Chồng cô ở nhà được 3 ngày thì đi làm. Đứa con lớn phải gửi nhờ bà ngoại chăm, con nhỏ mình cô chăm. "Tôi cảm thấy mình quá vất vả, cơm đưa lên miệng rồi con khóc cũng chẳng được ăn", người phụ nữ này nói.

Người chồng dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc giao lưu bên ngoài, ngày nào cũng kêu thiếu ngủ chứ đừng nói đến việc chăm con. Có lần bạn tôi đang nấu ăn trong bếp nhưng hết gas đột ngột, con quấy khóc, gọi chồng không được cô tức giận đến nỗi đập vỡ chiếc máy tính. Hai người sau đó cãi nhau và cùng ký vào đơn ly hôn trong sự tức giận. Nhưng hai ngày sau, người chồng giảng hòa, hứa sẽ siêng năng giúp vợ chăm con. Anh làm việc của người vợ thường làm như pha sữa, giặt tã và dỗ dành đứa trẻ... nhưng được nửa ngày thì gục ngã.

"Hai tiếng phải pha sữa, ba tiếng thay tã một lần, con quấy khóc sáu lần vào ban đêm khiến tôi bị kiệt sức", người chồng kể lại. Lúc này anh mới hiểu sự vất vả của vợ mình, và rằng đàn ông lấy vợ không chỉ để sinh con, làm bảo mẫu mà là chung tay đi hết cuộc đời, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.

Nhưng không phải ai cũng được như chồng của bạn tôi, sớm nhận ra khuyết điểm. Có một câu nói thế này: "Sức mạnh của một người đàn ông phụ thuộc vào huynh đệ, đẳng cấp phụ thuộc vào đối thủ, còn giá trị cao nhất phụ thuộc vào vợ anh ta". Thế mới hiểu, đối với đàn ông, khoản đầu tư tốt nhất trong cuộc đời là đối xử tốt với vợ mình.

Người đàn ông tốt quyết định "nhiệt độ" mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu

Cách đây không lâu, chương trình tạp kỹ "Mẹ chồng nàng dâu" đã khiến diễn viên nổi tiếng Đài Loan - Lâm Chí Dĩnh bị tẩy chay.

Vào ngày của mẹ, diễn viên họ Lâm đưa vợ là Trần Nhược Nghi về nhà thăm mẹ. Con dâu cũng chuẩn bị một món quà cho mẹ chồng. Kết quả là vừa bước vào nhà, cô đã bị mẹ chồng mỉa mai: "Sao con không kéo khóa áo", Trần vội vàng giải thích bộ quần áo được thiết kế như vậy. Mẹ chồng tiếp tục nói: "Mặc quần đùi đến nhà người lớn là bất lịch sự".

Những lời chỉ trích của mẹ chồng khiến Trần Nhược Nghi e dè. Là chồng nhưng Lâm Chí Dĩnh lại không có bất kỳ phản ứng nào. Anh ngồi bên cạnh vợ như một người câm, không giúp vợ nói cũng không bênh vực mẹ mà đơn giản là bỏ qua vấn đề. "Chuyện của phụ nữ, toàn thứ lặt vặt", anh nói. Thái độ này khiến Lâm Chí Dĩnh bị nhiều người chê trách.

Diễn viên Đài Loan Lâm Chí Dĩnh cùng vợ và mẹ đẻ. Ảnh: qq.

Diễn viên Đài Loan Lâm Chí Dĩnh cùng vợ và mẹ đẻ. Ảnh: qq.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thường trở thành ngòi nổ của nhiều cuộc chiến gia đình. Quan hệ này trở nên tồi tệ nhất khi người chồng đứng về phía mẹ đẻ và làm tổn thương vợ mình, và trở nên rắc rối khi người đàn ông luôn tỏ ra hờ hững.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thực chất là mối quan hệ tay ba giữa mẹ chồng, con trai và con dâu, và cốt lõi là người con trai. Nó giống như một chiếc cầu và người đàn ông chính là nhịp cầu để nâng đỡ. Chỉ khi đàn ông trân trọng, tham gia vào mối quan hệ thì nó mới trở nên ấm nóng.

Đàn ông tốt quyết định "nhiệt độ" mối quan hệ cha mẹ - con cái

Vài ngày trước em họ kể tôi nghe về bố cậu ấy: "Em nghi ngờ ông ấy không phải bố ruột của em?. Tôi hỏi tại sao thì em họ trả lời: ‘Em đã học cấp 2 nhưng ông ấy lái xe đến đón em ở cổng trưởng tiểu học bởi không biết em học lớp mấy".

Một hôm tôi đi cùng chị gái đón cháu trai đi học về, gặp một người đàn ông nước ngoài cũng đang đón con. Chị gái nói rằng lần nào cũng gặp người này, vì vậy đã hỏi anh ta: "Tại sao ông luôn đi đón trẻ?". Người nước ngoài nói: "Tôi cũng tò mò lắm, sao ở đây ngày nào cũng chỉ thấy mẹ hoặc bà mà ít khi thấy bố đón con. Vậy các ông bố đã đi đâu?"

Chị tôi trả lời, có thể các ông bố đang làm thêm giờ, xem tivi, giao lưu bên ngoài, nói chung họ rất bận rộn. Thế nhưng bản thân chị cũng thừa nhận phụ nữ luôn muốn chồng dành nhiều thời gian cho con nhưng họ luôn thoái thác: "Anh không biết chăm con, có em là đủ rồi". Vì vậy nhiều khi trẻ gặp khó khăn, chúng chỉ biết hét lên: "Mẹ ơi, mẹ ơi".

Nhà tâm lý học người Đức Erich Fromm từng nói: "Người cha đại diện cho những ý tưởng, định luật, quy tắc và kỷ luật do con người tạo ra. Cha là người giáo dục con cái và hướng chúng ra thế giới". Theo nhà tâm lý học này ở một mức độ nào đó, giáo dục thực sự là phụ thuộc vào người cha, bởi một người cha tốt bằng 10 người thầy tốt.

"Cha giống như mặt trời, và mẹ giống như mặt trăng. Chỉ khi mặt trời và mặt trăng thay thế nhau, và được nuôi dưỡng đầy đủ, trẻ em mới có thể lớn lên một cách mạnh mẽ", Erich Fromm nói.

Tôi chưa bao giờ tin rằng trong một gia đình, ai kiếm được nhiều tiền hơn sẽ được ghi công nhiều hơn. Gia đình không phải là công ty, nếu chỉ hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình thì ngày càng nảy sinh mâu thuẫn. Gia đình là nơi mọi người luôn giúp đỡ lẫn nhau.

Hãy nghĩ một chút: Bạn có thể làm việc chăm chỉ bên ngoài, vậy ai đã cho bạn thời gian để làm việc? Đó chính là bạn đời, con cái và cha mẹ. Nếu không có việc làm, bạn cảm thấy tội lỗi chăng? Nhưng đừng quên nhiều thứ không thể đánh đổi bằng tiền, chẳng hạn như thời gian bầu bạn với con cái, hạnh phúc của bạn đời và sự chăm sóc dành cho bố mẹ.

Hai người kết hôn không phải để chứng tỏ ai kiếm tiền giỏi hơn ai mà là nắm tay nhau tận hưởng cảm giác êm đềm của hạnh phúc gia đình. Vợ chồng không phải ràng buộc bởi tờ giấy đăng ký kết hôn, người cha không chỉ có mặt trên tờ giấy khai sinh của con và gia đình không phải chỉ dành cho một người.

Trong một ngôi nhà, không có gì được coi là đương nhiên. Mỗi bữa ăn nóng hổi bạn ăn, mỗi bộ đồ sạch sẽ bạn mặc và mỗi chiếc giường êm ái bạn ngủ không phải là thứ mặc nhiên có mà được đánh đổi bằng công sức làm việc chăm chỉ của ai đó.

Nếu có thời gian, bạn nên chia sẻ nỗi vất vả này. Nếu không có thời gian, bạn cần ghi nhớ công việc khó khăn này. Thế là đủ!